Đó cũng chính là nơi đáng sống và là mong ước của bao nhiêu người dân khi đi tìm kiếm một vùng đất để an cư,ảiVùngđấthứcay nho giong lạc nghiệp. Và đó chính là vùng đất mong ước của gia đình tôi và rất nhiều gia đình khác. Họ từ khắp mọi miền Tổ quốc về đây sinh sống và tạo thành một cộng đồng dân cư với đa sắc màu tôn giáo, tô điểm thêm cho bức tranh vùng miền tuyệt đẹp mà không pha lẫn vào đâu. Nơi đó chính là thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thị trấn Long Hải được bao quanh là biển và núi, khí hậu được thiên nhiên ưu đãi, mát mẻ quanh năm. Âu cái khí hậu chiều lòng người ấy làm cho con người trở nên ôn hòa, nhẹ nhàng và bình an; phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp ấy khiến cho ai đã một lần tới đây đều bị mê hoặc và không muốn rời đi, cứ muốn gắn bó lâu dài.
Long Hải như một người phụ nữ đẹp dịu dàng, ở bên họ rất bình yên; như một người bạn chân thành, cởi mở; như những đứa trẻ hồn nhiên trong sáng và như người đàn ông thật thà bao dung đôn hậu. Cái vẻ đẹp có trong thiên nhiên và con người ấy là lực hấp dẫn cho biết bao gia đình muốn gắn bó, cống hiến và xây dựng cho vùng đất này ngày càng tươi đẹp hơn, trong đó có gia đình tôi.
Tôi sinh ra tại vùng quê nghèo, bố mẹ tôi quanh năm bên ruộng vườn, bươn chải với nhiều nghề để mưu sinh. Năm 1990, khi vừa tròn 4 tuổi, tôi được ba mẹ dẫn vào đây. Tuổi thơ của tôi gắn liền với nơi đây, nơi có gió biển, gió núi ôn hòa. Cảm nhận của tôi về nơi này thật hiền hòa và quá đỗi bình yên. Sau những ngày lao động, học tập mệt nhọc, tôi thường tìm về với biển để nghe tiếng sóng vỗ nhẹ vào bờ, để cảm nhận làn gió nhẹ mang hương vị của biển thấm vào da thịt. Hương vị mặn thơm ấy của biển như xua tan bao nỗi muộn phiền.
Biển như là một người mẹ thiên nhiên đã nuôi sống người dân nơi đây. Khi mọi người đang yên giấc ngủ, vào sáng sớm tinh mơ, những người chồng, người cha từ giã vợ con ra khơi và sau mỗi chuyến đi biển ấy, thuyền về đầy ắp cá. Tôi nhìn thấy niềm vui trong ánh mắt của họ là khoảnh khắc khi cả gia đình cùng đoàn tụ, quây quần bên thành quả sau những chuyến ra khơi. Niềm vui ấy còn được san sẻ cho bao nhiêu người dân lao động trên bờ khác, do sự trù phú mà biển mang lại.
Chiều đến, khi công việc hoàn tất thì bãi biển chính là nơi sinh hoạt thể chất và tinh thần của người dân, họ thảnh thơi để tận hưởng làn sóng biển sau một ngày làm việc. Những cô cậu học trò vui đùa thỏa thích, chơi những môn thể thao, giao lưu với nhau. Sự vui chơi tự do, sảng khoái ấy đã ươm mầm cho bao ước mơ về thể thao trong từng bạn trẻ.
Cảm nhận về vùng đất Long Hải không chỉ dừng lại ở thiên nhiên tươi đẹp, trù phú, con người đôn hậu, thật thà, chất phát, là điểm tựa về vật chất, kinh tế cho người dân nơi đây mà bên cạnh đó, còn có điểm tựa về tâm linh, tinh thần - di tích lịch sử văn hóa Dinh Cô.
Tháng 3.2023, Lễ hội Dinh Cô vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là niềm tự hào cho người dân Long Hải nói riêng và người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung. Hằng năm, Lễ hội Dinh Cô diễn ra vào các ngày 10, 11, 12 tháng 2 âm lịch, du khách ở khắp mọi miền Tổ quốc về đây để cầu an, người dân địa phương chuẩn bị lễ vật để dâng lên, cầu cho gia đạo bình an, ấm no hạnh phúc.
Theo truyền thuyết, vào giữa thế kỷ 19, có một người con gái tên là Lê Thị Hồng theo cha đi làm ăn, gặp lúc sóng to gió lớn cô và cha tử nạn và xác của cô trôi dạt vào biển Long Hải, được người dân chôn cất và lập một ngôi miếu nhỏ ven biển, gần núi Thùy Vân để thờ. Người thiếu nữ này rất linh thiêng... Lúc bấy giờ, ở trong vùng có một dịch bệnh rất nặng, người dân được cô báo mộng, chỉ cho phương thuốc cứu chữa. Cô thường hiển linh phù trợ ngư dân đánh bắt cá nên được ngư dân gọi là Long Hải thần nữ và được người dân thờ cúng.
Theo chân những cụ già sống ở đây lâu năm, tôi được kể, ban đầu Dinh Cô là ngôi miếu nhỏ, nằm kề bãi biển. Theo thời gian, ngôi miếu ấy bị sóng biển bào mòn nên được người dân dời lên chân núi. Qua bao lần tu sửa (do thời gian và hỏa hoạn), Dinh Cô bây giờ rộng lớn, khang trang hơn.
Hằng năm, cứ vào dịp rằm, lễ, tết, tôi thường cùng gia đình đến Dinh Cô để cầu an và cầu cho người dân Long Hải có được cuộc sống yên ấm, con cháu ngoan ngoãn học giỏi. Là một giáo viên mầm non, là người đang sinh sống tại quê hương Long Hải, tôi nguyện cống hiến cho giáo dục để ươm những mầm non tương lai của đất nước, góp phần xây dựng Long Hải ngày càng giàu đẹp, để nơi đây là vùng đất hứa, là vùng đất đáng sống cho bao người đã và sẽ lựa chọn tìm đến.